Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Vinaphone
Internet cáp quang
Truyền hình tương tác
Chữ ký số
Quản Lý Giáo Dục
Sản phẩm dịch vụ CNTT

VNPT xây dựng sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa

5/13/2019 7:50:37 AM GMT+7

Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chính thức khai trương Trang thông tin kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trang thông tin này hoạt động như một Sàn giao dịch điện tử, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy kết nối tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị nông sản, thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

 

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Cục An toàn Thực phẩm và Tập đoàn VNPT nhấn nút khai trương Phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa

 

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Cục An toàn Thực phẩm và Tập đoàn VNPT nhấn nút khai trương Phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa

Giải quyết bài toán kết nối cung cầu trong nông nghiệp

Thanh Hóa hiện có 73 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích hơn 440 ha đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản như: bưởi Luận Văn, vịt Cổ Lũng, nem chua Thanh Hóa, nước mắm Thanh Hương, nước mắm Ba Làng, bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng…

Mặc dù tỉnh đã xây dựng một hệ thống các cơ sở uy tín tham gia chuỗi cung ứng, phân phối song hiện nay việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nông sản làm ra chưa có hệ thống hỗ trợ hiệu quả để quảng bá, tạo sự lan tỏa để người tiêu dùng, du khách, các đơn vị phân phối, tiêu thụ trong, ngoài nước biết tới. Việc kết nối, giới thiệu giữa người sản xuất với người kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tỉnh chủ yếu thông qua các hội chợ nhưng chưa thường xuyên, chi phí cao và chưa thu hút được đông đảo người sản xuất tham gia.

Giải quyết vấn đề này, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Thanh Hóa cùng Tập đoàn VNPT nghiên cứu và xây dựng Trang thông tin kết nối cung cầu sản phẩm nông sản tại địa chỉ https://nongsanantoanthanhhoa.vn. Với nhiều thông tin về nông sản, thực phẩm an toàn, người tiêu dùng có thể nhận biết, lựa chọn những địa chỉ thực phẩm an toàn. Doanh nghiệp có thể tham gia kết nối qua chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; có thêm cơ hội quảng bá để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

Trang thông tin được tích hợp việc đặt mua hàng với Thanh toán điện tử và dịch vụ vận chuyển (logictic) - hoạt động tương tự như một sàn giao dịch điện tử. Ở đây người bán và người mua hoàn toàn giao dịch trên môi trường mạng. Trong giai đoạn này, phần mềm đã tích hợp Thanh toán điện tử qua trung gian thanh toán VNPT Pay, kết nối 34 ngân hàng; Dịch vụ vận chuyển do VNPost - nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát lâu năm và có uy tín nhất hiện nay đảm nhận.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của sàn giao dịch này so với các sàn giao dịch khác đó chính là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc Đảm bảo: mặt hàng gì, của đơn vị nào được tham gia lên “kệ hàng”. Việc này được đảm bảo thông qua Quy chế hoạt động và cơ chế xác thực của hệ thống, với sự tham gia giám sát của cơ quan chức năng địa phương và sở ngành cấp tỉnh.

Hệ thống cũng cho phép đánh giá các sản phẩm, doanh nghiệp uy tín thông qua cơ chế xếp hạng thông minh và tự động. Nói cách khác việc tham  gia vào hệ thống Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn Thanh Hóa là sự xác thực đảm bảo đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mọi cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều có thể đăng ký thành viên của sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa. Việc đăng ký thành viên sử dụng hệ thống là hoàn toàn miễn phí.

Cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể đăng ký thành viên qua: địa chỉ email, tài khoản facebook, tài khoản google, số điện thoại.

Có thể truy cập hệ thống tại địa chỉ https://nongsanantoanthanhhoa.vn hoặc đơn giản hơn chỉ cần đưa máy điện thoại lên quét mã QRCode sẽ được tự động kết nối hoặc liên kết để tải ứng dụng trên Google Play (Đối với android) hoặc App Store (Đối với iOS).

 

Lợi ích bốn bên

Việc có một kênh kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn chính thống, uy tín sẽ đem lại lợi ích cho cả người Tiêu dùng, thành viên tham gia sàn giao dịch, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và cơ quan quản lý.Người tiêu dùng có thể xem thông tin về sản phẩm như: giá cả, quy trình sản xuất, chứng nhận ATTP, nơi phân phối, cơ sở sản xuất. Tra cứu, phản hồi thông tin về chất lượng sản phẩm với cơ quan quản lý VSATTP.

Với thành viên sàn giao dịch có thể đăng tải các tin rao vặt: Cần mua, cần bán, cần tìm đối tác cung cấp, phân phối, trao đổi trực tiếp với các chủ cơ sở sản xuất qua ứng dụng chat. Thiết lập sản phẩm, phương thức vận chuyển, thanh toán, nhận hàng cũng như bình luận, đánh giá, phản ánh vi phạm với cơ quan quản lý về các sản phẩm khác trên sàn.

Tại sàn giao dịch, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có thể Đăng tải thông tin giới thiệu, quảng bá về cơ sở, về các loại hàng hóa đang kinh doanh. Quản lý đơn hàng bán: xác nhận/hủy các đơn hàng mà khách hàng đặt mua, thực hiện thao tác đặt giao hàng cho khách. Thống kê doanh thu, doanh số theo sản phẩm, theo khách hàng v.v..

Với cơ quan quản lý, có thể quản lý và kiểm duyệt các yêu cầu đăng ký. Kiểm duyệt các bài đánh giá, bình luận, hỏi đáp về sản phẩm, cơ sở SXKD. Quản lý danh sách các vùng sản xuất, địa điểm kinh doanh đồng thời xử lý các phản ánh vi phạm của cộng đồng, người sử dụng đối với các sản phẩm và cơ sở. Xử lý các thông tin phản hồi của khách truy cập liên quan đến vấn đề VSATTP.

VNPT xây dựng sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa  - ảnh 1

Mô hình giải pháp nông nghiệp thông minh của Tập đoàn VNPT đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Tiếp tục góp sức đưa nông nghiệp Việt phát triển trong giai đoạn mới

Đại diện Tập đoàn VNPT chia sẻ, phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm sạch sẽ sớm được VNPT nghiên cứu đưa vào triển khai trên diện rộng, tiếp tục bổ sung vào hệ sinh thái các giải pháp của VNPT hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Việt. Trước đó, Tập đoàn VNPT đã có một số giải pháp về triển khai nông nghiệp thông minh và xác thực hàng hóa nông sản.

Giải pháp Nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture) của VNPT với các tính năng hoàn chỉnh, sử dụng được cho cả lĩnh vực trồng trọt lẫn chăn nuôi. Không chỉ giúp đo đạc tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt, giải pháp còn giúp các trang trại chăn nuôi quản lý tất cả các khâu như hệ thống cho ăn, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thu hoạch trứng, hệ thống thu gom phân, hệ thống sưởi ấm…

Ngoài ra, với việc tích hợp công nghệ phân tích dữ liệu lớn, VNPT Smart Agriculture còn cho phép các chủ trang trại thực hiện phân tích, dự báo, chủ động trong việc hoạch định, sản xuất, vận chuyển, lưu kho…, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất có thể. Người sử dụng có thể điều khiển hệ thống thông qua một ứng dụng trên điện thoại cũng do VNPT phát triển.

Hiện nay giải pháp nông nghiệp thông minh của VNPT đã được áp dụng thực tế ở nhiều nơi, điển hình như trang trại Delco Bắc Ninh. Ngoài ra, VNPT cũng đã tự xây dựng một khu trồng trọt tại khuôn viên Nhà máy điện tử số 2 của VNPT ở khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ứng dụng giải pháp Smart Agriculture vào nuôi trồng thực tế các loại cây nông nghiệp khác nhau như dưa lưới, rau cải, mùng tơi, xà lách…

Một giải pháp đắc lực nữa của VNPT cho ngành Nông nghiệp cũng phải kể tới là VNPT Check - giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa. Giúp bà con nông dân dễ dàng kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tránh việc sản phẩm của mình bị làm giả làm nhái, gây mất uy tín với người tiêu dùng, doanh nghiệp quảng bá thông tin về sản phẩm của mình một cách hiệu quả, VNPT Check đang được nhiều tỉnh thành trên cả nước lựa chọn để bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản nói riêng và sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung. Ví dụ như Bến Tre sử dụng VNPT Check để gắn tem truy xuất nguồn gốc cho 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển. Quảng Ninh chọn VNPT Check để dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp thuộc chương trình ”Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP” của tỉnh. Bắc Giang sử dụng VNPT Check để bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất phân phối trong tỉnh…

(Theo Tiền Phong)

Tin mới hơn

Chăm sóc khách hàng
Báo hỏng máy

Tổng lượt truy cập : 274433